Tử vi số - Xem lá số tử vi online trọn đời, dự báo số mệnh chính xác

Hôm nay: Thứ ba, 19-03-2024

Những điều đại kỵ cần tránh trong ngày cưới, phải ghi nhớ để hôn nhân bền vững

Hôn nhân là việc trọng đại của đời người, ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của gia đình và gia tộc, vì thể người Việt Nam ta rất cẩn trọng trong việc tiến hành tổ chức cưới hỏi cho con cháu để tránh những rủi ro như hôn nhân tan vỡ, hiếm muộn con cái, sự nghiệp của vợ chồng bế tắc,…

Xem thêm

điều đại kỵ cần tránh trong ngày cưới

Dù phong tục cưới truyền thống Việt Nam đã có sự biến đổi nhất định qua thời gian, nhưng những giá trị tinh thần vẫn còn mãi trường tồn và được truyền qua nhiều thế hệ.

Theo đó, ông bà ta ngày xưa vốn chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Quốc với thuyết ngũ hành và thuật phong thủy, đã đúc kết lên được những điều đại kỵ cần tránh trong ngày cưới.

Kiêng lấy người không hợp tuổi

Theo phong tục cưới truyền thống Việt Nam, mỗi người khi sinh ra đều có mệnh, hệ riêng biệt. Khi dựng vợ gả chồng, quan niệm cưới hợp tuổi kỵ tuổi lại được đem ra tính toán vô cùng cẩn thẩn. Khi hai vợ chồng hợp tuổi, hợp mệnh thì cuộc sống gia đình viên mãn, con cái sinh ra khỏe mạnh thông minh, làm ăn phát đạt, thuận lợi.

Ngược lại, nếu đã kỵ tuổi, kỵ mệnh mà vẫn lấy nhau thì cuộc sống vợ chồng gặp nhiều khó khăn, biến cố thậm chí chia ly. Dù chưa có cơ sở khoa học giải thích rõ ràng thế nhưng nhiều gia đình vẫn thuận theo và xem tuổi cẩn thận cho đôi trẻ khi có quyết định kết hôn.

Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại thì những tuổi sau thuộc bộ tứ hành xung, không nên kết duyên vợ chồng:

  • Dần, Thân, Tỵ, Hợi

  • Tý, Ngọ, Mão, Dậu

  • Thìn, Tuất, Sửu, Mùi

Tuy nhiên, có trường hợp tuổi xung nhưng mệnh lại hợp. Vì vậy, khi tính tuổi hôn nhân, người ta không chỉ dựa vào tuổi mà còn xem xét nhiều yếu tố khác như ngày sinh tháng đẻ với lý luận tương sinh, tương khắc và tương hỗ trong thuyết âm dương ngũ hành.

Kiêng lấy vào năm kim lâu của cô dâu

Những điều đại kỵ cần tránh trong ngày cưới cho hay khi tính tuổi của đôi nam nữ, người ta còn tính toán tuổi kim lâu của người nữ. Tuổi kim lâu là tuổi âm lịch có số đuôi là 1, 3, 6, 8. Dân gian thường tránh tổ chức cưới vào tuổi kim lâu của người nữ vì theo quan niệm, khi cưới vào năm kim lâu vợ chồng sẽ gặp khó khăn, quan hệ vợ chồng dễ bất hòa, lục đục, con cái sinh ra dễ bệnh tật…

Tuy nhiên, cũng có quan niệm cho rằng, vẫn có thể tiến hành hôn lễ vào năm kim lâu nếu qua ngày Đông chí.

Kiêng cưới hỏi vào tháng 7 âm lịch

Theo tín ngưỡng của dân gian thì tháng 7 (âm lịch) gọi là tháng cô hồn vì tháng này Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan cho các cô hồn, ma quỷ được thoát về dương thế và các cô hồn, ma quỷ đó buộc phải trở lại địa ngục trước 12 giờ đêm của ngày Rằm tháng 7.

Vì thế, tháng 7 âm lịch, nhất là những ngày nửa đầu của tháng, âm khí rất mạnh, nếu tiến hành các việc lớn, hỷ sự như tậu nhà, khai trương, cưới hỏi… sẽ thu hút các vong hồn đến phá phách, gây bất lợi cho gia chủ.

Hơn nữa, theo truyền thuyết dân gian thì tháng 7 âm lịch là tháng Ngưu Lang – Chức Nữ (vợ chồng Ngâu), gắn với chuyện tình duyên trắc trở, bi ai của Ngưu Lang – Chức Nữ, khiến trời đất cảm thương, cũng âm u, mưa dầm rả rích suốt tháng.

Cưới hỏi vào những ngày này không thuận về thời tiết còn e vận tình duyên bi ai của vợ chồng Ngâu vào Tân Lang – Tân Nương nên việc hỷ sự cần tránh tiến hành vào tháng “Ngâu” này.

Điều đại kỵ cần tránh trong ngày cưới hoặc làm các việc hệ trọng vào tháng 7 âm lịch là vì những lý do như thế.

điều đại kỵ cần tránh trong ngày cưới

Kiêng cưới vào ngày Mùng 1 hoặc ngày Rằm

Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Mồng Một và ngày Rằm là ngày lễ của Phật, là ngày linh thiêng nên cần tránh mọi sự “uế tạp”. Nếu cưới vào những ngày này sẽ đem đến những xui xẻo về đường con cái, thậm chí giảm tuổi thọ của Tân Lang – Tân Nương vì đã phạm vào đại kỵ là làm “chuyện ấy” (tân hôn) vào những ngày cần phải giữ gìn sự thanh tịnh cả thể xác lẫn tâm hồn.

Một lý do nữa là theo sự đúc kết kinh nghiệm của cổ nhân thì vào những ngày trăng tròn (ngày Rằm), tâm sinh lý của con người có nhiều ức chế, xáo trộn, dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực như trộm cắp, đánh nhau, tự tử… khiến cổ nhân phải than rằng: “Nguyệt viên nhân khuyết” (Trăng tròn người khuyết – khi trăng tròn thì con người rất dễ mất mạng). Vì thế mà tín ngưỡng dân gian đã đưa ra kiêng kỵ việc cưới hỏi vào những ngày này.

Kiêng kỵ mẹ chồng tới đón dâu

Theo nghi lễ cưới hỏi dân gian thì mẹ chồng chỉ được tới nhà cô dâu làm lễ xin dâu. Còn lúc đón dâu, mẹ chồng phải tránh mặt để mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sau này không bị mâu thuẫn.

Khi đám rước dâu về đến đầu ngõ, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi hoặc chùm chìa khóa lánh mặt đi chỗ khác. Dân gian tín rằng, bình vôi hoặc chùm chìa khóa là biểu tượng của tài sản trong nhà nên việc nắm bình vôi hoặc chùm chìa khóa là biểu tượng mẹ chồng tiếp tục nắm giữ tài sản, để tài lộc gia đình được sinh sôi nảy nở. Khi con dâu làm lễ gia tiên nhà chồng xong, hai họ đã yên vị thì mẹ chồng mới xuất hiện để đi chào và cảm ơn hai họ.

Người ta kiêng như thế để tránh mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sau này bị mâu thuẫn.

điều đại kỵ cần tránh trong ngày cưới

Kiêng kỵ mẹ đẻ cô dâu đi đưa dâu

Trong ngày cưới, người ta kiêng để mẹ cô dâu xuất hiện khi đoàn rước dâu chuẩn bị đưa dâu về nhà chồng vì sợ tình mẫu tử làm quyến luyến cô dâu, nước mắt của cô dâu hay của người mẹ trong ngày cưới cũng đều không tốt cho hạnh phúc đôi lứa nên khi đó, mẹ cô dâu phải lánh mặt.

Cũng có nơi kiêng cả việc bố cô dâu đưa con gái về nhà chồng vì quan niệm, con gái đã gả bán cho nhà chồng thì phúc phận của người con gái phụ thuộc vào hồng phúc nhà chồng nên người bố tránh đưa con gái về nhà chồng để giữ cho hạnh phúc con cái không bị vía của gia đình bố mẹ đẻ ảnh hưởng.

 Kiêng kỵ cô dâu khóc khi về nhà chồng

Vào ngày cưới, cô dâu phải ngồi trong phòng kín, tuyệt đối không để họ hàng nhà trai thấy mặt trước khi chú rể vào đón. Khi theo chú rể về nhà chồng, cô dâu cũng tuyệt đối không được quay đầu lại hoặc tỏ ra quyến luyến, khóc lóc với mẹ đẻ. Người ta kiêng như vậy để tránh việc duyên lành bị gãy đổ, cô dâu không chu toàn với chồng, với gia đình nhà chồng.

Trong trường hợp, cô dâu đang mang bầu thì khi về đến nhà chồng phải đi vòng ra cửa sau để vào nhà, nếu nhà chồng không có cửa sau thì cô dâu phải trèo tường hoặc bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, để xua đuổi điều xui xẻo, tuyệt đối không được đi vào từ cửa chính vì sẽ làm cho tài lộc nhà chồng bị ảnh hưởng.

Tránh để người nặng vía vào phòng tân hôn

Phòng tân hôn là phòng ngủ của đôi vợ chồng, là nơi quan trọng để hai vợ chồng bắt đầu một cuộc sống mới, vì vậy tránh trang trí các vật dụng sắc nhọn, các cây có gai dễ tạo ra “âm khí” làm hòa khí vợ chồng bị ảnh hưởng.

Một trong những điều đại kỵ cần tránh trong ngày cưới là tuyệt đối không cho người “vía nặng” như: góa chồng, hôn nhân trục trặc, hiếm muộn con cái, đang có tang hoặc đang mang thai… bước vào phòng tân hôn, để giữ may mắn về tình yêu, về đường con cái cho đôi vợ chồng trẻ.

Giường cưới phải là giường mới, không dùng giường cũ, không cho người khác ngồi trên giường tân hôn để giữ lộc, giữ may mắn cho vợ chồng mới.

Người được chọn trải giường tân hôn phải là người phụ nữ đã có gia đình, con cái đuề huề, có “cả nếp, cả tẻ”, làm ăn phát đạt. Nếu mẹ chồng có đủ những tiêu chuẩn trên thì có thể trải giường cưới.

Trang trí xong giường cưới, người ta sẽ khép cửa phòng lại và không cho bất kỳ ai vào trong đó. Khi đoàn rước dâu về tới nhà, cô dâu chú rể sẽ là người đầu tiên vào phòng tân hôn, sau đó mới đến họ hàng, bè bạn.

Trên đây là bài viết Những điều đại kỵ cần tránh trong ngày cưới của Tử vi số tổng hợp và biên soạn. Nếu còn gì thắc mắc về những điều kiêng kỵ khác hãy liên hệ ngay với Tử vi số và đón xem nhiều bài viết mới trên trang chủ để được giải đáp nhanh chóng nhé.

Tử vi số

Tử vi số

Kính chào các quý độc giả của kênh Tử Vi Số, đây là trang thông tin chính thức về các lĩnh vực tử vi, nhân tướng, phong thủy và kiến thức nhân sinh.


Cùng Chuyên mục

Back to top